Ngày 25/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết định đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt của ông Nguyễn Hữu Thắng vì những phát ngôn liên quan dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Những phát ngôn của ông Thắng bị cho là không đúng và thiếu trách nhiệm về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng uy tín của ngành giao thông vận tải.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu ông Thắng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc phát ngôn và giải trình nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án, báo cáo Bộ trưởng Đinh La Thăng trước ngày 7/5.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng giao Phó cục trưởng Trần Phi Thường phụ trách Cục Đường sắt trong thời gian ông Nguyễn Hữu Thắng bị đình chỉ chức vụ.
Trước đó, trả lời Tiền Phong về việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội giá hơn 300 triệu USD, Cục trưởng Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng nói: "Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên".
Đề cập trách nhiệm của mình, ông Thắng chia sẻ, sự việc này Bộ có kỷ luật, cảnh cáo cá nhân ông, ông cũng đồng ý.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ 2 năm. Ảnh: Bá Đô.
Liên quan việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án thêm 339 triệu USD, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp, được nghiên cứu từ năm 2004. Cục Đường sắt Việt Nam và Tư vấn lập dự án (TEDI) đều chưa có kinh nghiệm. Do vậy, một số nội dung trong nghiên cứu thiết kế cơ sở phải thay đổi trong quá trình thiết kế kỹ thuật và thi công sau này để phù hợp thực tế.
Dự án Cát Linh - Hà Đông được Bộ giao Cục đường sắt Việt Nam là Chủ đầu tư, Tổng công ty Tư vấn và Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) là Tư vấn thiết kế, Tổng thầu EPC là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.
Được triển khai năm 2008 với tổng đầu tư hơn 552 triệu USD, tuyến đường sắt đô thị đã hoàn thành mặt bằng 10 km trong tổng chiều dài 13 km. Theo kế hoạch mới nhất, tuyến đường sẽ đi vào hoạt động năm 2015 - chậm tiến độ 2 năm, đồng thời đội chi phí lên hơn 60% so với dự toán ban đầu. Ban quản lý dự án đường sắt lý giải, quá trình thực hiện có một số hạng mục phải bổ sung, phát sinh và điều chỉnh. Việc chậm giải phóng mặt bằng làm thời gian thực hiện dự án kéo dài và tăng chi phí lớn.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho rằng việc dự án phải điều chỉnh là do lỗi của Chủ đầu tư, Tư vấn thiết kế dự án và Tổng thầu EPC.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Giao thông làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tổ chức khi để dự án Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ và đội giá hơn 300 triệu USD; các cơ quan liên quan phải làm việc với đối tác Trung Quốc để bổ sung nguồn vốn ODA cho phần tăng thêm.
theo vnxpress

[Báo mới cập nhật tin tức mới nhất trong ngày][featuredpost][random][15]

 
Top