CÁC VỤ GÂY RỐI Ở TP. HCM: Thiệt hại gần 4 tỷ đồng
Những vụ GÂY RỐI Ở TP. HCM: Thiệt hại gần 4 tỷ đồng


Sáng 23/5, Chủ tịch UBND Tp. HCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp nắm bắt diễn những vụ gây rối do một số đối tượng quá khích gây ra tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố cho biết bước đầu đã xác định có 32 doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại về cơ sở vật chất. Trong đó, 2 DN bị thiệt hại nặng (hư hỏng máy móc, mất nguyên liệu, thành phẩm), với tổng giá trị thiệt hại ban đầu khoảng 3,9 tỷ đồng.

Bước đầu xác định có 32 doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp bị thiệt hại về cơ sở vật chất do các vụ gây rối vừa qua.

Theo ông Phạm Huy Thông, Phó Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố, các DN bị thiệt hại chủ yếu tập trung tại khu chế xuất Linh Trung 1, 2; khu công nghiệp Bình Chiểu. Trong đó, có một DN Trung quốc, 14 DN Đài Loan, 3 DN Hong Kong và 14 DN còn lại đến từ các nướcAnh, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan.

Cũng theo báo cáo này, có 124 DN trên địa bàn thành phố do thấy tình hình bất ổn, chủ DN lo sợ nên cho công nhân tạm nghỉ sản xuất. Tuy nhiên, đến ngày 19/5, tất cả các DN này đều đã hoạt động trở lại.

Lãnh đạo cơ quan này nhận định tình hình an ninh trật tự đã ổn định nhưng vẫn có khả năng diễn biến phức tạp, tâm lý của chủ DN (đặc biệt là DN nước ngoài) vẫn còn bất an, lo lắng. Có khả năng một số DN sẽ tạm hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới vào khu chế xuất, khu công nghiệp.

Đơn vị quản lý xuất nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất cũng cho biết trong thời điểm xảy ra các vụ quá khích (từ 13/5 đến 15/5), lượng hành khách người Đài Loan và Trung Quốc rời khỏi Việt Nam bằng đường hàng không tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó. Từ ngày 18/5 đến nay sau khi tình hình ổn định trở lại, lượng khách từ Trung quốc đến Tp. HCM vẫn giảm 15%.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân chỉ đạo các đơn vị chủ chốt, các sở ngành và chủ tịch UBND quận, huyện phải chủ động nắm bắt tình hình an ninh trật tự diễn ra trên địa bàn, không được lơ là. Trường hợp có bất ổn thì chính địa phương chủ động giải quyết chứ không chờ chỉ đạo từ cấp trên hay sự tiếp viện của lực lượng công an.

Chủ tịch cũng lưu ý ở DN nào hay đơn vị nào có dấu hiệu lơ là sản xuất thì địa phương đó phải chủ động nắm bắt tâm tư của công nhân, người lao động nhằm kịp thời thực hiện công tác vận động, thuyết phục.

[Báo mới cập nhật tin tức mới nhất trong ngày][featuredpost][random][15]

 
Top