(Soha.vn) - Bức hình ghi lại cảnh hậu trường quá trình tác nghiệp của phóng viên đang gây ra những luồng dư luận trái chiều.

Những hình ảnh bạo hành trẻ em đầy ám ảnh tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh sau khi được đăng tải đã khiến người xem không khỏi rùng mình, xót xa và căm phẫn. Mọi thông tin và diễn biến của vụ việc ngay sau đó cũng được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả.
Tuy nhiên, từ hôm qua (17/12) trên mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh về quá trình các nhà báo đưa tin vụ việc khiến người xem "lặng mình" suy ngẫm và đang tạo nên những luồng ý kiến trái chiều.

Hình ảnh hậu trường tác nghiệp của các phóng viên đang gây nên những ý kiến trái chiều
Được biết, bức ảnh này do một nhà báo chụp vào tối ngày 17/12, khi 2 bảo mẫu Lý và Phương bị triệu tập trên cơ quan công an quân Thủ Đức. Trong ảnh, 2 bảo mẫu đứng dựa tường, cúi mặt trước hàng loạt ống kính máy ảnh của các phóng viên.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người lên tiếng chỉ trích, cho rằng đây là hình ảnh xấu xí của các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, thậm chí có người còn so sánh với hình ảnh "kền kền xâu xé thông tin"...
"Mình nằm trong số những bạn cùng phẫn nộ hành vi hành hạ các cháu trẻ của những người đàn bà gọi là bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục có tên là Phương Anh - Lê Thị Đông Phương. Dù thế, dù rất phẫn nộ, dù họ đã bị công an bắt thì họ vẫn được quyền hưởng những quyền tối thiểu của một con người khi chưa bị kết án. Suy cho cùng, xử lý người phạm tội là cuối cùng để mang đến cho họ con đường sống của sự lương thiện. Nhưng việc báo chí quá hăng thông tin, bỏ qua quyền con người, xúm xít chụp ảnh, đưa ảnh ào ào là hành động xấu, không nhân văn..." - trích ý kiến của nhà vănNguyễn Quang Vinh trên trang cá nhân.
"Sao em thấy cảnh này bất nhẫn quá. Cho hai cô này ngồi lên ghế rồi chụp hình cũng có sao đâu", thành viên Bình An bình luận.
"2 cô bảo mẫu đứng dựa tường, rồi một lô những máy ảnh chĩa vào chụp hình, phản cảm quá", Hương Nguyễn bình luận.
"Nhìn cảnh này thấy nghèn nghẹn, tự hỏi nếu một ngày nào đó người thân của mình cũng đứng ở vị trí kia???", Tuấn Nguyễn bình luận.
"Hình ảnh ám ảnh tôi nhất trong hôm nay không phải là hình ảnh hai bảo mẫu hành hạ các bé, mà lại là hình ảnh hai người này đứng dựa lưng vào tường, cúi mặt trước một loạt ống kính của các phóng viên. Tôi không nghĩ rằng họ có thể đứng vững được như thế!", - trích ý kiến của nhà báo Đình Khánh trên trang cá nhân.
"Trời, hóa ra là chụp ảnh thế này đây! Cứ tưởng trước đây chụp ảnh nó "lung linh" lắm. Đây gọi là chụp ảnh đưa tin ạ?", Ly Nhun bình luận.
"Có cần phải đến mức này không? Án thì cũng có khung, phạm nhân thì cũng còn gia đình, và các mối quan hệ xã hội khác. Hơn nữa, người xấu hôm nay vẫn có thể là người tốt, có ích trong tương lai. Còn một góc nhìn nữa cho ta thấy sau khi bị tố, bị bắt, họ đã đang trong thế yếu rồi. Các cụ nhà mình có dạy: "Khôn không quá lẽ, khỏe không quá lời"...", Dư Hòa bình luận.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến nhìn nhận bức ảnh nói trên ởchiều hướng tích cực, đồng thời cho rằng đáng lẽ cơ quan chức năng nên chụp hình 2 bảo mẫu này ở trụ sở công an và gửi tới các cơ quan báo chí truyền thông thay vì để các phóng viên tự do chụp hình, tác nghiệp như thế này.
"Tôi thấy, các bác nhà báo kia chẳng có gì phải xấu hổ cả! Dù có phải nhảy lên bàn, nằm xuống sàn... cũng chẳng sao! Miễn là có được tấm ảnh lột tả chân thật sự kiến. Cái trách là trách cái bác chụp cảnh anh em tác nghiệp và đưa lên!", độc giả Lê bình luận.
"Mình nghĩ mọi người đã quá lời rồi, họ chỉ đang làm công việc của mình mà thôi, chụp ảnh và đưa tin. Họ đang cố gắng hết sức để mang thông tin đến độc giả xung quanh vụ việc động trời này.",Nga Nguyễn bình luận.
"Chuẩn ra không thể trách phóng viên được, khi vụ việc nóng, báo nào cũng muốn có tin, phóng viên họ cũng có áp lực riêng, được tạo điều kiện chụp ảnh thì phải chụp ngay. Tôi thấy mọi người hãy giảm bớt sự căng thẳng và nhìn nhận vấn đề một cách tích cực hơn",Quốc Hưng bình luận.
"Báo chí đưa tin, là phản ánh tức thì, họ có tác nghiệp cũng là điều hiển nhiên", Tuấn Chi bình luận.
"Tôi không đồng tình với việc cơ quan công an yêu cầu 2 nghi phạm đứng dựa tường để các phóng viên tác nghiệp thế này (mà nên để phóng viên chụp khi nghi phạm đang ngồi để viết lời khai, hoặc ở một tư thế tự nhiên) thì sẽ tốt hơn.", Ngọc Thông bình luận.
Những bảo mẫu và hành động bạo hành trẻ kinh hoàng của họ đáng bị xã hội lên án. Tuy nhiên, phía sau những tội ác, sự phẫn nộ của dư luận là những câu chuyện sẽ khiến người ta bị ám ảnh, tranh cãi khó dứt... và bức hình chụp hậu trường tác nghiệp của phóng viên là một ví dụ hùng hồn nhất.

[Báo mới cập nhật tin tức mới nhất trong ngày][featuredpost][random][15]

 
Top