Khi Luyện cùng bố và 5 người thân đi tù, mẹ sát thủ phát bệnh tâm thần, em trai bỏ học. Ông nội già yếu luôn đau đớn, dằn vặt, khổ tâm.
Ông nội Lê Văn Luyện không giấu được những giọt nước mắt đắng cay.
Thảm án tại tiệm vàng Ngọc Bích, ở phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang đã trôi qua gần 3 năm. Sát thủ Lê Văn Luyện đang thi hành án phạt 18 năm. Mọi thứ tưởng chừng đã an bài, nhưng ở gia đình Luyện, người thân vẫn đau đớn, dằn vặt, khổ tâm.
Ông nội của Luyện, cụ Lê Văn Ngà không kìm nén được nỗi đau khi có tới 7 người con, cháu liên quan thảm án. Từ ngày họ bị bắt, căn nhà cụ không có tiếng cười. Vợ chồng cụ cùng đứa con gái thiểu năng trí tuệ sống nhờ vào vài mảnh ruộng, vườn.
Cụ khóc, kể khi vụ án chưa xảy ra, bố Luyện thi thoảng chạy sang lo mọi công to việc lớn cho bố mẹ. “Kinh tế nhà nó cũng khá giả nên có điều kiện báo hiếu hơn. Ấy vậy mà, chỉ thoáng một chốc mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, tất cả đã đổ vỡ không thể níu kéo được”, cụ Ngà nói.
Cụ mặc cảm, không dám xuất hiện trước đám đông và cảm thấy nhục nhã khi “con cháu người ta thì giỏi giang, đỗ đạt trường cao, còn cháu mình là kẻ giết người, cướp của”. “Chết thì không chết được, nhưng sống thế này cũng khổ lắm”, cụ nói.
Ngôi nhà của gia đình Luyện trước kia giờ đã trở thành hoang phế. Tiếc của, tiếc công của con, mỗi tuần cụ sang quét dọn một lần. Có đợt vì trọng bệnh, cụ không dọn được, lá cây phủ kín sân như nhà hoang.
“Tôi chỉ ước được một lần lên trại giam thăm con, thăm cháu. Tôi đã già, cũng chẳng biết đường đi, mà thằng Luyện ở tận Nghệ An. Có khi hai ông cháu sẽ chẳng còn có cơ hội được nhìn thấy nhau nữa vì mấy năm nay sức tôi yếu lắm rồi”, cụ tâm sự.
Ngôi nhà Luyện giờ không ai ở.
Thương bố con Luyện một thì ông thương con dâu mười, bởi ông hiểu được sự đau đớn mà người mẹ này phải gánh chịu. Hai ngày sau khi chồng và con bị bắt, mẹ và em trai Luyện không sống ở ngôi nhà của gia đình nữa mà chuyển về nhà ngoại. Sự việc đau lòng và sức ép từ dư luận đã khiến cho tâm lý của người phụ nữ này không còn được như trước nữa. Bà lang thang khắp xóm, lảm nhảm những chuyện không ai hiểu. Thi thoảng lại bỏ nhà đi, có lần cả hai bên nội ngoại phải đi tìm nửa tháng mới thấy.
Một người dân sống gần nhà với gia đình Lê Văn Luyện khẳng định: “Trước đây vợ chồng cô Thơm (mẹ của Luyện) sống rất hiền lành, chan hòa với mọi người. Bán thịt ở chợ, đối với những gia đình khó khăn cô chú ấy bán rẻ, thậm chí còn cho nợ khi nào có thì trả nên rất có cảm tình của mọi người. Ấy vậy mà đùng một cái, chồng đi tù, vợ bị điên…”.
Nhà của ông nội Luyện.
Luyện có một người em trai, khi vụ án xảy ra đang học lớp 10 trường huyện. Giờ cậu không dám đến trường, cùng mẹ về nhà bà ngoại sinh sống, hằng ngày đi làm thuê chặt cây, bốc củi… Tích cóp được chút tiền, cậu lại đưa mẹ đi chữa bệnh. Thời gian gần đây, mẹ của Luyện đã bình tĩnh hơn và dần tìm được sự thăng bằng. Bà bắt đầu đi làm để kiếm tiền lo cho cuộc sống, nhưng hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với những người xung quanh.
Anh Lê Văn Thoại, Trưởng Công an xã Thanh Lâm (Lục Nam, Bắc Giang) cho biết sau một thời gian ở địa phương xôn xao về vụ thảm án thì hiện tại mọi việc đã không còn như trước. Thi thoảng, cán bộ xã có đến hỏi thăm sức khỏe gia đình ông bà nội Luyện, cảm thông với những người già không nơi nương tựa.
>
>
Rạng sáng 24/8/2011, Luyện đột nhập tiệm vàng Ngọc Bích, cắt hệ thống camera, chuông báo động, đâm chết vợ chồng chủ tiệm. Con gái lớn của gia chủ (8 tuổi) bị chém đứt lìa tay phải, bé út 18 tháng tuổi bị giết.
Sát thủ lấy đi 200 chỉ vàng ta, gần 153 chỉ vàng tây trong tủ trưng bày ở tầng 1, tổng giá trị tài sản hơn 1,27 tỷ đồng.
Do gây án khi chưa đủ 18 tuổi, hắn bị phạt tổng cộng 18 năm tù về 3 tội: Giết người, Cướp tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
6 người thân của Luyện gồm Lê Văn Miên (bố), Trương Thanh Hồng (anh họ), Lê Thị Định (cô ruột) và Lê Văn Nghi (chú rể) và vợ chồng ông Trương Văn Hợp (bố, mẹ của Hồng) bị phạt từ 9 đến 48 tháng tù do che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.